Chiều 27-7, tại An Giang, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị triển khai các nghị quyết của Chính phủ để thực hiện 3 dự án đường bộ cao tốc: Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.
Chính phủ yêu cầu phải dồn sức để khởi công cả 3 dự án trước 30-6-2023. Ngay trước hội nghị, trong sáng cùng ngày, Phó thủ tướng đã thị sát hiện trường nơi sẽ xây dựng tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và nghe báo cáo của các đơn vị liên quan.
Đủ vật liệu thi công
Theo nghị quyết của Chính phủ, các địa phương Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng được triển khai chỉ định thầu và rút ngắn thời gian đối với hồ sơ, thủ tục liên quan đến lựa chọn nhà thầu thi công cao tốc.
Chính phủ cho phép các địa phương nơi dự án đi qua triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Các thủ tục về thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật… cũng được thực hiện đồng thời để rút ngắn thời gian, đảm bảo khởi công dự án trước 30-6-2023.
Đối với các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu thì UBND tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho dự án (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường. Sau khi đã khai thác cung cấp đủ khối lượng cho dự án thì dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.
Các địa phương hỗ trợ nhau vật liệu thi công
Ông Lê Quang Mạnh – bí thư Thành ủy Cần Thơ – cho biết TP Cần Thơ đã thành lập ban chỉ đạo và giao các địa phương chuẩn bị giải phóng mặt bằng. TP Cần Thơ cam kết làm hết mình để đạt tiến độ đề ra mặc dù mốc thời gian khởi công trước 30-6-2023 là hết sức thách thức đối với địa phương.
“Đối với nguồn vật liệu xây dựng, TP Cần Thơ được xem là “4 không” (không rừng, không núi, không biển và không cảng) nên rất mong sự hỗ trợ từ các địa phương lân cận, đặc biệt là sự đánh giá cụ thể lượng cát của An Giang, Đồng Tháp”, ông Mạnh nói.
Ông Nguyễn Thanh Bình – chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho biết tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có chiều dài tuyến 188,2km với tổng mức đầu tư trên 44.691 tỉ đồng. Đoạn qua địa phận tỉnh An Giang là 57km, bắt đầu từ xã Vĩnh Tế (TP Châu Đốc, An Giang) đến huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ).
“HĐND tỉnh An Giang đã ban hành nghị quyết bố trí 1.380 tỉ đồng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương do cấp tỉnh quản lý để tham gia thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án qua địa phận tỉnh An Giang. Trong đó năm 2022 bố trí 380 tỉ đồng, năm 2023 bố trí 1.000 tỉ đồng. Về nguồn cát đã được tỉnh An Giang chuẩn bị sẵn sàng, nếu địa phương nào cần thì tỉnh sẽ cố gắng hỗ trợ”, ông Bình nói.
“Dự án của chúng ta là cao tốc, khối lượng rất lớn, do đó phải có bộ hồ sơ về các mỏ vật liệu. Nhiều vùng chưa có mỏ phải bổ sung vào và khắc phục. An Giang, Đồng Tháp không chỉ lo nguồn cát cho mình mà phải lo cho cả nước và khu vực. Theo ước tính sơ bộ khi thực hiện một số tuyến cao tốc ở ĐBSCL đã cần đến gần 39 triệu khối cát rồi. Bộ GTVT sẽ hỗ trợ tích cực cho các địa phương trong thực hiện cao tốc. Nếu địa phương nào cần, chúng tôi sẵn sàng giao các bộ phận họp trực tuyến cầm tay chỉ việc cho các anh” – Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nói.
Việc 3 năm phải làm trong 1 năm
Phó thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định Chính phủ đang tập trung thực hiện các tuyến cao tốc. Hiện nay đã có 1.263km cao tốc, còn nghị quyết đặt ra từ nay đến 2025 có 3.000km đường cao tốc và 2030 có 5.000km nữa, dù khó khăn nhưng phải nỗ lực làm theo nghị quyết.
Khu vực ĐBSCL là nơi phát triển kinh tế rất lớn nhưng hạ tầng giao thông còn yếu, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ. Không chỉ 3 tuyến cao tốc này mà từ nay đến 2025 có thêm 9 tuyến cao tốc nữa tập trung cho vùng ĐBSCL, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
“Đây là công trình trọng điểm vừa giao địa phương là cơ quan thẩm quyền quyết định vừa đòi hỏi tiến độ nhanh, chất lượng, không được thất thoát lãng phí. Trước đây, chúng ta cần 3 năm làm thủ tục đầu tư thì nay chỉ cần 1 năm. Trước đây chúng ta thi công cao tốc chục năm thì bây giờ chỉ cần 3 năm thôi. Các tỉnh thông qua HĐND phân bổ nguồn vốn từng năm là rất hay, kịp thời”, ông Thành nói.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương phải chú trọng chất lượng, giá thành và đặc biệt là lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu đủ năng lực. Các tỉnh, thành phải lựa chọn tư vấn kỹ, chặt chẽ vì tư vấn sẽ giúp cho ban chỉ đạo các tỉnh để làm sao đảm bảo tiến độ.
“Lựa chọn nhà thầu phải công tâm khách quan, không bị ảnh hưởng bởi tác động của bất kể người nào. Người có thực lực mới làm được, đừng quen thân người này người kia mà đưa người này nọ vào không đủ năng lực. Vì họ ký hợp đồng vào rồi thì rất khó để thay nhà thầu. Do đó, lựa chọn nhà thầu phải có kinh nghiệm, năng lực và hợp đồng phải chặt chẽ để làm không tốt thì có thể thay đổi” – Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói.
Không lập lại đường cao tốc chạy tối đa 80 km/h
Theo quy hoạch, đến năm 2030 vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 640km đường cao tốc. Tuy nhiên, điều lo lắng của các tỉnh miền Tây là phải đẩy nhanh tiến độ triển khai và thi công để các dự án này về đích đúng tiến độ.
Thực tế đã có “bài học nhãn tiền” của tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận là sau 13 năm mới hoàn thành giai đoạn 1 (4 làn xe), dẫn tới vừa đưa vào khai thác từ ngày 30-4 nhưng đến nay đã sắp quá tải với lưu lượng lên đến khoảng 30.000 lượt xe mỗi ngày.
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, quy mô đầu tư giai đoạn 1 tuyến cao tốc này được tính toán dựa trên lượng xe cách đây 10 năm, đến nay không còn phù hợp. Do đó, mới đây UBND tỉnh Tiền Giang đã đề xuất Thủ tướng cho đầu tư giai đoạn 2 đúng quy hoạch 6 làn xe cao tốc và 2 làn khẩn cấp trước năm 2030 để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và tránh trở thành “nút thắt cổ chai” trong tương lai gần.
Ông Lữ Quang Ngời – chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long – cho biết đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hiện chỉ có 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp và chỉ giới hạn tốc độ 80km/h trong khi có những đoạn quốc lộ hiện đã cho phép xe chạy đến 90km/h.
Việc này gây ra nhiều bất tiện và không đáp ứng nhu cầu vận chuyển, phát triển kinh tế – xã hội của vùng ĐBSCL. Theo ông Ngời, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đang thi công hiện quy mô giai đoạn 1 cũng chỉ 4 làn xe nên Vĩnh Long cũng mong muốn sớm triển khai giai đoạn 2 để tránh lặp lại tình trạng vừa thông xe đã quá tải như tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ gồm 3 gói thầu xây lắp, đến nay đã đạt 47% giá trị các hợp đồng. Trong đó, phần đường đã đắp cát nền đường đến cao độ cắm bấc thấm trên tuyến chính đạt 100% và đắp cát gia tải giai đoạn 1 tuyến chính hoàn chỉnh đạt 17,5 km/20,03 km.
Hai giai đoạn làm đường cao tốc
Hiện ngoài hai tuyến TP.HCM – Trung Lương và Trung Lương – Mỹ Thuận đã đưa vào khai thác, tuyến Mỹ Thuận – Cần Thơ đang thi công, các tuyến còn lại cũng đang vào “bệ phóng” gồm:
* Từ nay đến năm 2025 sẽ đầu tư các tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (dài 26km, tổng mức đầu tư 4.524 tỉ đồng), An Hữu – Cao Lãnh (dài 30km, tổng vốn 5.998 tỉ đồng), Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (188,2km, tổng vốn 44.691 tỉ đồng), Cần Thơ – Cà Mau (dài 109,5km, tổng vốn 27.254 tỉ đồng).
* Giai đoạn 2025 – 2030 sẽ đầu tư thêm 2 tuyến cao tốc khác gồm: Hồng Ngự – Trà Vinh (dài 107km, tổng vốn 5.380 tỉ đồng) và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu (dài 100km, tổng vốn 30.000 tỉ đồng).
B.ĐẤU – M.TRƯỜNG – C.HẠNH ( Tuổi trẻ)