Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) vừa đưa ra cảnh báo về một số dấu hiệu bất ổn, đáng quan ngại của thị trường bất động sản do đang có biểu hiện giảm tốc, chững lại, giảm thanh khoản.
Tại TP HCM loại hình nhà ở bình dân dưới 30 triệu đồng/m2 chỉ chiếm 1% vào năm 2020. Từ năm 2021 đến nay không còn nhà ở vừa túi tiền, trong khi đó nhà ở cao cấp chiếm đến 74%, còn lại nhà ở trung cấp chiếm 26%.
Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là thiếu nhà ở có giá vừa túi tiền dẫn đến giá nhà đã tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Hiện nay, phân khúc nhà liền thổ tại TP HCM đã có nơi lên đến 500 tỷ đồng hoặc căn hộ cao cấp hạng sang có giá trên 100 tỷ đồng,…
Ông Võ Huỳnh Tấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam nhận định, TP HCM hiện nay không có căn hộ bình dân và trung cấp, nếu có thì nằm ở xa trung tâm. Nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án cao cấp và hạng sang đã đẩy giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp tăng vọt.
Giá bất động sản liền thổ cũng ghi nhận tăng mạnh khi các dự án mới xác lập mức giá kỷ lục. Giá loại hình nhà phố và biệt thự tăng gần tương đương nhà phố thương mại nhờ nguồn cung mới giá cao. Nguồn cung sơ cấp giá phải chăng ngày càng khan hiếm.
Một dự án chung cư bình dân tại khu Cát Lái, quận 2, TP.HCM. (Ảnh: My House)
Theo thống kê của DKRA Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá bán sơ cấp phân khúc biệt thự/nhà phố ngày càng tăng. Thị trường TP HCM thiết lập mặt bằng giá mới với mức giá bán kỉ lục lên đến 700 tỷ đồng/căn. Đồng Nai cũng ghi nhận giá bán cao nhất lên đến 107 tỷ đồng/căn.
Chuyên gia DKRA dự báo, trong thời gian sắp tới, đà tăng giá sơ cấp sẽ khó có thể dừng lại trong bối cảnh chi phí đầu vào liên tục leo thang, nguồn cung mới khan hiếm trong khi đó nhu cầu đầu tư còn rất lớn. Trong dài hạn nếu các rủi ro và thách thức đối với thị trường không được khắc phục, sự giảm giá trên thị trường thứ cấp diễn biến rõ nét hơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hồi phục của thị trường chung.