Sau 3 năm được Thủ tướng giao thực hiện xây cầu Cát Lái nối TPHCM và Đồng Nai, đến nay công trình chưa triển khai do hai địa phương chưa thống nhất phương án hướng tuyến, vị trí xây dựng cầu.
Dự án cấp bách, triển khai ì ạch
Chị Nguyễn Thị Hằng, nhà ở xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết, hằng ngày 2 vợ chồng chị đều phải dậy sớm để sang Thành phố Thủ Đức (TPHCM) làm việc vì sợ kẹt phà.
“Đoạn sông ngắn thôi nhưng phải chờ phà rất mất thời gian, nhất là ngày cuối tuần, lễ Tết có khi phải mất cả tiếng vì quá đông. Nếu có cầu rồi thì từ Nhơn Trạch qua thành phố Thủ Đức chỉ còn 5-7 phút chạy xe máy thôi. Hy vọng cây cầu sẽ sớm được xây dựng” – chị Hằng nói.
Nhiều năm qua, người dân hai địa phương TPHCM, Đồng Nai đều muốn sớm có một cây cầu thay thế phà Cát Lái. Có cầu, đường đi từ Thành phố Thủ Đức (TPHCM) – Nhơn Trạch (Đồng Nai) được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TPHCM – Bà Rịa-Vũng Tàu – Đồng Nai.
Bên cạnh đó, khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác dự kiến năm 2025, cầu Cát Lái kết hợp tỉnh lộ 25C hình thành tuyến kết nối TPHCM – sân bay Long Thành, chia sẻ lượng xe với cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây vốn đang quá tải. Không chỉ giúp người dân thoát cảnh “qua sông lụy phà”, cầu Cát Lái được cho là sẽ kéo giảm ùn tắc, giãn dân và biến Nhơn Trạch thành ngoại ô của TPHCM.
Cấp bách là vậy nhưng dù quy hoạch cách đây 20 năm và đến năm 2019 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với TPHCM thực hiện xây cầu Cát Lái, đến nay hai địa phương vẫn chưa chốt phương án, vị trí xây dựng sau nhiều lần họp bàn.
Mới đây, sau khi phân tích 5 phương án xây cầu Cát Lái do đơn vị tư vấn đưa ra, Sở GTVT TPHCM đánh giá phương án cầu kết nối từ quận 7, vượt sông để qua Đồng Nai là hợp lý nhất, thay vì xây dựng ở khu vực gần cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức, như dự tính lúc trước.
Theo phương án này, dự án cầu Cát Lái dài 13,7km, riêng phần cầu là 3,5km. Công trình có điểm đầu trên đường trục Bắc – Nam TPHCM, đi về phía Đông vượt rạch Dĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng và Huỳnh Tấn Phát, trùng tuyến Hoàng Quốc Việt. Cầu sau đó vượt sông Đồng Nai qua các xã Phú Hữu, Phú Đông huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), rồi nối vào cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Càng kéo dài chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng càng tăng
Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TPHCM – cho biết, TPHCM nhận thấy một số phương án xây cầu Cát Lái được Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đề xuất có vị trí đi ngay vào trung tâm, tác động đến công tác giải phóng mặt bằng, ùn tắc giao thông và ảnh hưởng các hoạt động hiện hữu của khu vực. Do đó, Sở GTVT TPHCM và Sở GTVT Đồng Nai đang bàn bạc, nghiên cứu lại.
“Kế hoạch xây cầu Cát Lái gồm hướng tuyến, quy mô, tổ chức giao thông… rất quan trọng vì ảnh hưởng quy hoạch và công trình khác đang triển khai. Do đó, dự án cần được nghiên cứu tổng thể trong kết nối giao thông TPHCM và Đồng Nai” – ông Lâm nói.
Mới đây, tại hội thảo chuyên đề về quy hoạch giao thông vận tải TPHCM, bà Nguyễn Thị Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – đã kiến nghị TPHCM sớm cho ý kiến thống nhất về vị trí xây dựng cầu Cát Lái.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, đã yêu cầu Sở GTVT TPHCM trong tháng 8 sẽ cùng phía Đồng Nai và lãnh đạo Bộ GTVT để chọn vị trí xây dựng cầu Cát Lái nhằm sớm triển khai dự án.
Theo ông Nguyễn Bôn – Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, nếu TPHCM sớm thống nhất được phương án hướng tuyến thì Đồng Nai sẽ khẩn trương lập hồ sơ dự án để có thể khởi công xây dựng vào cuối năm 2023.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn – chuyên gia về quy hoạch đô thị đánh giá việc xây dựng cầu Cát Lái là cần thiết cho sự phát triển của cả ba địa phương TPHCM, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo ông Sơn, cầu xây ở khu vực gần cảng Cát Lái sẽ có hiệu quả nhanh vì hạ tầng đã sẵn sàng, còn phía quận 7 thời gian sẽ dài hơn do cần chờ đầu tư công trình đồng bộ.
“Xây cầu Cát Lái sẽ gặp nhiều khó khăn như điều chỉnh quy hoạch, kinh phí giải toả mặt bằng lớn, song hai địa phương cần làm sớm vì thời gian càng kéo dài, chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng sẽ càng tăng” – ông Sơn nói.
Công ty CP Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải, đơn vị tư vấn thiết kế dự án xây dựng cầu Cát Lái, đề xuất phân chia dự án thành 2 dự án thành phần để thuận tiện cho việc đầu tư theo hình thức kết hợp BOT và ngân sách tỉnh Đồng Nai, TPHCM. Dự kiến tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là khoảng 9.000 tỉ đồng, trong đó phần vốn ngân sách TPHCM tham gia dự án khoảng 1.300 tỉ đồng.
Minh Quân ( Lao động)