Đồng Nai cùng với các địa phương liên quan đang xúc tiến các thủ tục để có thể sớm triển khai thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – TP.HCM, một trong những tuyến giao thông kết nối nội vùng, liên vùng quan trọng bậc nhất của vùng Đông Nam bộ.
UBND tỉnh Đồng Nai được giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án đoạn Bàu Cạn – cầu Thủ Biên thuộc dự án Đường vành đai 4 – TP.HCM (không bao gồm cầu Thủ Biên) có chiều dài khoảng 45km. Ảnh: Phạm Tùng |
* Kết nối 5 địa phương phát triển công nghiệp
Đường vành đai 4 – TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2011. Tuyến đường này sẽ đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố bao gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An.
Để triển khai thực hiện dự án, tháng 9-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có văn bản giao các địa phương liên quan làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án (thành phần) của đường vành đai 4 – TP.HCM.
Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đoạn Phú Mỹ – Bàu Cạn có chiều dài khoảng 18km; UBND tỉnh Đồng Nai triển khai dự án đoạn Bàu Cạn – cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên) có chiều dài khoảng 45km; UBND tỉnh Bình Dương triển khai đoạn cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn) có chiều dài 49km; UBND TP.HCM triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn – kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) có chiều dài khoảng 17km và UBND tỉnh Long An chịu trách nhiệm triển khai thực hiện đoạn kênh Thầy Cai – Hiệp Phước, bao gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP.HCM có chiều dài khoảng 71km.
Tháng 5-2022, Sở GT-VT TP.HCM tổ chức lấy ý kiến của Sở GT-VT các địa phương còn lại về kế hoạch phối hợp thực hiện dự án Đường vành đai 4 – TP.HCM. Theo kế hoạch, các địa phương sẽ phối hợp hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào tháng 12-2022. Mục tiêu đề ra là khởi công dự án năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2028. Căn cứ mốc tiến độ nêu trên, các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch triển khai từng đoạn qua địa bàn quản lý.
Đánh giá về tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – TP.HCM, tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29-8-2005 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Đông Nam bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 vào giữa tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, đường vành đai 4 – TP.HCM khi hoàn thành xây dựng sẽ giúp cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương như: Bình Phước, Bình Dương, Long An không phải đi xuyên tâm TP.HCM.
Với hướng tuyến kéo dài từ Long An, đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về Bà Rịa – Vũng Tàu, đường vành đai 4 – TP.HCM sẽ là tuyến đường kết nối quan trọng nhất của vùng Đông Nam bộ cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. “Tất cả các địa phương phát triển công nghiệp đều phải đi qua đường vành đai 4 – TP.HCM để về cảng Cái Mép nếu xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
* Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ thực hiện chung một dự án
Theo phương án đầu tư xây dựng, đường vành đai 4 – TP.HCM sẽ được phân thành các dự án thành phần; trong đó, UBND các địa phương sẽ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các dự án thành phần đi qua địa bàn. Tuy nhiên, để đảm bảo đầu tư đồng bộ và hiệu quả khai thác, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đang bàn bạc để phối hợp triển khai theo hướng thực hiện chung một dự án đối với các đoạn tuyến đi qua địa bàn 2 tỉnh.
Trên thực tế, một trong những vai trò lớn nhất của đường vành đai 4 – TP.HCM là kết nối các địa phương phát triển mạnh về công nghiệp với cảng biển Cái Mép và cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành trong tương lai nhằm tạo thuận lợi cho việc xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Cụ thể, đối với việc xuất, nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển, cảng Cái Mép sẽ là “cửa ngõ” cho các địa phương này. Trong khi đó, nếu thực hiện xuất, nhập khẩu hàng hóa bằng đường hàng không, sân bay Long Thành sẽ đóng vai trò chủ đạo. Chính vì vậy, trong việc đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – TP.HCM, việc kết hợp thành một dự án đối với các đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ đảm bảo được tính đồng bộ và tăng hiệu quả khai thác.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, hiện đã có nhà đầu tư quan tâm đến dự án khi triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). 2 địa phương Đồng Nai và Bà Rịa – Vùng Tàu đang làm việc để phối hợp triển khai thực hiện theo hướng 2 tỉnh sẽ thực hiện chung dự án đối với các đoạn tuyến đi qua địa bàn 2 tỉnh để tăng hiệu quả khai thác. “Đồng Nai xác định đường vành đai 4 – TP.HCM có vai trò rất quan trọng nên sẽ xúc tiến để triển khai sớm” – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Theo quy hoạch, đường vành đai 4 – TP.HCM có chiều dài khoảng 200km, quy mô 6-8 làn xe, điểm đầu giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (TP.HCM). Đối với đoạn qua địa bàn Đồng Nai, hiện nay đã có khoảng 9,5km đoạn từ hương lộ 10 đến đường tỉnh 769 đã được đầu tư xây dựng với quy mô 2 làn xe để làm đường thay thế cho hương lộ 10 hiện hữu trong phạm vi sân bay Long Thành. Các cơ quan chức năng đang thực hiện các thủ tục để thực hiện dự án mở rộng đoạn tuyến này lên quy mô 4 làn xe. |
Phạm Tùng ( Baodongnai)