Nhiều cơ chế đặc biệt để triển khai dự án đường vành đai 3 TP.HCM được xây dựng, đề xuất trình Chính phủ phê duyệt tại nghị quyết sắp ban hành sẽ làm tiền đề cho triển khai dự án cơ bản hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2025.
Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có tờ trình Chính phủ về dự thảo nghị quyết của Chính phủ, triển khai nghị quyết số 57 của Quốc hội với chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, cùng nhiều cơ chế đặc biệt.
Theo bộ này, việc trên sẽ rút ngắn các thủ tục hành chính, cho phép tiến hành đồng thời một số công việc, tăng sự chủ động của các bộ ngành và địa phương, đáp ứng tiến độ thi công xây dựng để cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và khai thác sử dụng từ năm 2026.
Dự thảo nghị quyết nêu rõ, đường vành đai 3 TP.HCM sẽ chia làm 8 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công, trong đó có 4 dự án thành phần bồi thường hỗ trợ tái định cư. Mỗi dự án sẽ là một dự án thu hồi đất trên địa bàn 1 tỉnh mà không phải là dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố.
Dự thảo cho phép chủ tịch các tỉnh, thành phố thực hiện thẩm quyền quyết định đầu tư, với trình tự thủ tục như dự án nhóm A; áp dụng hình thức chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong vòng 2 năm.
Đáng chú ý, chủ tịch UBND các tỉnh, thành sẽ được triển khai đồng thời một số công việc liên quan tới bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Các thủ tục để thực hiện dự án sẽ triển khai đồng thời nhằm rút ngắn thời gian thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, khảo sát, lập và thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; điều chỉnh cục bộ quy hoạch có liên quan dự án; lựa chọn nhà thầu…
Việc thực hiện các báo cáo đánh giá tác động môi trường ở từng dự án sẽ là cơ sở để quyết định cho mỗi dự án đạt hiệu quả mà không cần phải thực hiện cho toàn bộ dự án.
Cơ chế này sẽ giúp đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của dự án, tương tự với các nội dung tại nghị quyết trước đó đã được Chính phủ cho phép triển khai như tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025; Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1…
Đối với việc khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cũng sẽ có các cơ chế để khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu phục vụ cho dự án.
Đơn cử, với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp giấy phép, sẽ được khai thác trên cơ sở làm các thủ tục, đánh giá tác động môi trường, nộp tiền cấp quyền khai thác, thuế, phí và cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ sau khi khai thác.
Với các mỏ đã cấp phép và đang hoạt động, còn thời hạn khai thác có thể được nâng công suất không quá 50% công suất ghi trên giấy phép khai thác và chỉ nhằm mục đích phục vụ cho dự án. Sau khi đã khai thác đủ thì dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng dự án có quy mô lớn sẽ triển khai đồng loạt từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, trong khi các tỉnh lân cận cũng sẽ triển khai nhiều dự án cao tốc đi qua. Trong khi nguồn vật liệu thông thường của dự án được lấy chủ yếu từ Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và TP.HCM, nên sẽ gặp những khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu.
Vì vậy, việc áp dụng cơ chế đặc thù về vật liệu xây dựng sẽ đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cao, hoàn thành đúng tiến độ cho dự án.
Sẽ có hội đồng cố vấn dự án?
Dự thảo cũng cho phép UBND TP.HCM thành lập hội đồng cố vấn dự án trên cơ sở đề nghị của các địa phương. Hội đồng gồm các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật, vật liệu xây dựng, công nghệ, đấu thầu, tổ chức điều hành dự án.
Trước đó, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM đi qua 4 địa phương là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An với 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt gồm: vốn đầu tư; tổ chức thực hiện; cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu với một số gói thầu cụ thể và khai thác mỏ khoáng sản.
N.An ( Tuổi trẻ)